Tôi biết bạn vẫn nghĩ: Nội dung siêu đỉnh là yếu tố quyết định thành công của chiến lược content cho doanh nghiệp !

Nhưng sẽ ra sao nếu tôi nói rằng: Đó cũng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến chiến lược của bạn thất bại.

Nhắc đến “content” là nghĩ đến chất lượng câu chữ, thế nhưng một content manager (người quản lý về nội dung) cần khả năng bao quát và quản lý tốt cả một quá trình tổng thể.

Vậy, làm sao để mỗi nội dung tạo ra có thể thu hút đúng đối tượng tiềm năng, nuôi dưỡng và thuyết phục họ trở thành khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ?

Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn cho bạn 4 giai đoạn và các bước chi tiết để xây dựng chiến lược content từ bao quát đến chi tiết, giúp bạn gia tăng khả năng chuyển đổi trên mỗi content tạo ra.

Bài viết được viết bởi Vincent Đỗ – GTV SEO. Trích nguồn bài viết tại blog Phạm Đình Quân.

Cùng xem nhé!

1, 3 tư duy trước khi làm content cho doanh nghiệp

Trước khi bắt đầu vào hướng dẫn chi tiết, tôi muốn chia sẻ 3 tư duy mà bạn cần nắm vững !

1.1, Content chất – chưa bao giờ là đủ

Để đáp ứng được nhu cầu của đối tượng mục tiêu, content manager (người quản lý nội dung) cần phải xây dựng được hệ thống bài viết đảm bảo được 3 yếu tố:

  • Trao giá trị, giáo dục hay hướng dẫn người đọc
  • Dẫn dắt họ đi sâu hơn vào phễu marketing doanh nghiệp
  • Khiến người đọc thích thú, yêu thích thương hiệu

Để có thể đảm bảo cả 3 yếu tố này, người quản lý nội dung nên tập trung vào việc xây dựng một quy trình tạo dựng được các content chất lượng mang tính dẫn dắt, hơn là việc trực tiếp điều chỉnh bài viết sao cho chất lượng.

Và đối với tôi, chú ý đến chất lượng của từng bài viết nên là công việc của các bạn copywriter thì hơn !

1.2, Viết cho đáng, đừng viết cho vui

Điều này có nghĩa là, những nội dung bạn viết ra phải có giá trị chuyển đổi cho doanh nghiệp về đường dài, chứ không phải chỉ tạo nên những viral content. Tuy thu hút tương tác nhưng không giúp ích được nhiều trên tổng thể kinh doanh.

Mỗi một content được tạo ra đều tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp, chẳng hạn như: phí thuê copywriter, phí design hình ảnh/video, thời gian,… (tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong phần 4).

Vì vậy, hãy suy nghĩ về giá trị tạo chuyển đổi cho mỗi content trước khi bắt tay vào thực hiện nhé !

1.3, Thủ thuật content SEO – “mật ngọt chết ruồi”

Để có thể kéo được nhiều traffic, khi làm content cho SEO, một số người đã tìm kiếm các thủ thuật (bao gồm cả black-hat) nhằm “lừa dối” Google với ý định mong muốn có được thứ hạng cao.

Tuy nhiên, đó là một tư duy sai lầm!

Cả Google và người dùng đều mong muốn những nội dung có giá trị. Và nội dung chỉ có “giá trị” đối với người thực sự cần nó mà thôi!

Bạn có bao giờ nghe câu hát “Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận được bao nhiêu” ?

Hãy đưa nội dung của bạn đến đúng người, đúng thời điểm bằng việc xây dựng một quy trình tạo dựng và phân phối nội dung đến đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp. Để đến cuối cùng, người dùng có thể vui vẻ để lại thông tin, và trở thành khách hàng trung thành của bạn!

Với 3 tư duy phía trên, bạn đã có thể sẵn sàng bước vào phần kế tiếp, xây dựng và thực thi chiến lược content cho doanh nghiệp.

Tiếp tục theo dõi !

2, Xây dựng & thực thi chiến lược content cho doanh nghiệp

2.1, Giai đoạn 1: Xây dựng chiến lược content cho doanh nghiệp

Mục tiêu của content chính là tạo dựng nội dung giá trị dẫn dắt đối tượng mục tiêu tiến sâu hơn vào phễu.

Hay nói cách khác, bạn phải thiết kế một chiến lược nội dung đưa họ đến bước cuối cùng trong hành trình khách hàng.

Vậy…

2.1.1, Hành trình khách hàng là gì ?

Hành trình khách hàng (customer journey) là quá trình mà mọi khách hàng đều trải qua, từ khi họ xác định được vấn đề của mình cho đến khi tìm cách giải quyết, từ khi họ tìm hiểu cho đến khi họ gắn bó với một thương hiệu.

Bức tranh hành trình giá trị khách hàng giúp doanh nghiệp xây dựng một khuôn khổ chung để biến những người xa lạ không chỉ thành khách hàng, mà còn trở thành những người mua và người yêu thích, là fan hâm mộ của doanh nghiệp!

Có rất nhiều mô hình hành trình khách hàng khác nhau, tùy vào mức độ chi tiết mà các giai đoạn trong hành trình được chia nhỏ.

Tuy nhiên các mô hình này đều có chung một cốt lõi chính là thể hiện quá trình từ một người xa lạ (prospect) trở thành khách hàng trung thành (loyal customer).

Hành trình khách hàng tôi chia sẻ trong bài viết này, bao gồm 5 giai đoạn. Và mỗi content được tạo ra đều phải hướng đến được đối tượng mục tiêu trên từng giai đoạn này!

Bảng dưới đây tôi đã thống kê chi tiết mục tiêu của content trên từng giai đoạn giúp bạn có thể theo dõi tổng quan.

Giai đoạn Awareness Interest Consideration Purchase Growth
Tình trạng Đối tượng mục tiêu có vấn đề nhưng chưa tìm thấy hướng giải quyết Khách truy cập thích thú với nội dung vừa nhìn thấy và muốn tìm hiểu thêm Người để lại thông tin đã có hướng giải quyết, đang đi tìm cách xử lý vấn đề cụ thể Khách hàng tiềm năng có nhận thức rõ về sản phẩm mà cả bạn và đối thủ cung cấp Khách hàng muốn có được thành quả nhanh hơn
Loại content Content thu hút đối tượng mục tiêu xem bài đăng Content giúp thuyết phục khách truy cập website để lại thông tin Content chứng minh khả năng chuyên môn, thực lực của doanh nghiệp Content bán hàng Content chia sẻ cách áp dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp để có được thành công nhanh hơn/nhiều hơn
Mục tiêu Chuyển đổi cold traffic thành khách truy cập website Chuyển đổi khách truy cập trở thành người quan tâm và để lại thông tin (lead) Nuôi dưỡng lead Chuyển đổi lead thành khách hàng Tăng giá trị của mỗi đơn hàng

Tùy theo mỗi giai đoạn trong hành trình khách hàng mà mục tiêu của các bước trong chiến lược content là khác nhau, và các loại content cũng khác nhau.

Đó là lý do tại sao nếu quá tập trung vào content chất lượng cao, chiến lược sẽ dễ “bể”, khi quỹ thời gian của bạn là có hạn.

Vậy để đạt tiêu chí khác nhau cho từng giai đoạn thì nên sử dụng loại content nào?

Ngay trong phần kế tiếp, tôi sẽ bật mí cho bạn kèm với đó là đưa ra các ví dụ chi tiết cho từng loại hình content để bạn có thể áp dụng.

2.1.2, Các loại content theo 5 giai đoạn hành trình khách hàng

5 loại hình content dành cho giai đoạn Awareness (nhận thức)

Đây là các dạng content bước đầu tiếp cận và cho đối tượng mục tiêu có nhận thức về sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu.

Dưới đây là 5 loại content thường được áp dụng cho giai đoạn này:

Câu chuyện cá nhân

Đây là các câu chuyện được chia sẻ dưới tư cách cá nhân là người đại diện hay thành viên của công ty.

Xem thêm:  Noindex là gì? Tác dụng và cách sử dụng noindex hiệu quả trong SEO

Bạn có thể hình dung việc marketing thương hiệu Apple cũng gắn liền với “personal branding” của Steve Jobs hay Facebook cũng có Mark Zuckerberg đứng đầu chẳng hạn.

Bằng cách khéo léo dẫn dắt, kể chuyện về vấn đề gặp phải và cách thức vượt qua, loại nội dung này sẽ giúp đối tượng mục tiêu nhận ra rằng “ồ thì ra người đó cũng từng gặp vấn đề như mình”, từ đó kết nối và tìm hiểu sâu hơn.

Ở bước này, đối tượng mục tiêu sẽ nhận được các lời khuyên hữu ích không chỉ trong công việc mà còn cả cuộc sống hàng ngày. Từ đó đối tượng mục tiêu cảm thấy gắn kết hơn với cá nhân người đại diện đó.

Câu chuyện thương hiệu & case study thành công

Câu chuyện về thương hiệu, case study chia sẻ về những thành công của doanh nghiệp hay thành quả mà doanh nghiệp bạn mang đến cho khách hàng có thể trở thành loại nội dung vô cùng “đắt giá”.

Lời khuyên:

Khi thực hiện nội dung video, bạn nên chèn script (kịch bản) hoặc subtitle (phụ đề) bên dưới video để người xem dễ theo dõi hơn

Nêu ra thứ tự các bước chi tiết cách đạt được thành công để người xem dễ áp dụng

===>> Ví dụ: Case study chiến lược seo từ khóa khó “LEO TOP BỀN VỮNG”

Video & bài viết hướng dẫn

Bài viết hay video hướng dẫn tập trung vào việc chia sẻ thông tin, cách thức thực hiện một cách chi tiết, chuyên sâu về một chủ đề.

Đó có thể là định dạng blog dài (long-form article) như bài viết: Thủ thuật SEO: 101+ tips SEO Onpage & SEO Offpage cho website.

Lời khuyên:

  • Hãy hướng dẫn và chia sẻ kiến thức về lĩnh vực mà bạn kinh doanh.
  • Chia nhỏ nội dung thành các định dạng khác nhau (hình ảnh / video / văn bản) để người xem dễ theo dõi.
  • Thêm vào các cụm từ “hướng dẫn”, “cách thức”, “làm thế nào để …” để cho người đọc biết rằng họ sẽ học được rất nhiều điều từ content của bạn.

Tuy nhiên, khi thực hiện loại nội dung này, bạn cần làm cho nó trở nên hữu ích để đối tượng mục tiêu có thể dễ dàng áp dụng.

Đừng chỉ viết lý thuyết, hãy giúp người dùng áp dụng nó vào thực tiễn !

Viral video

Viral video giúp gia tăng nhận thức thương hiệu thông qua câu chuyện kết nối mạch cảm xúc với đối tượng mục tiêu.

Workshop / Hội thảo / Sự kiện

Chia sẻ thông tin, kiến thức dưới dạng offline như hội thảo, sự kiện và các buổi workshop thường sẽ mời các chuyên gia trong ngành để nói về một chủ đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thông qua việc nhắm vào một đối tượng cụ thể, các buổi chia sẻ này giúp tăng độ nhận thức và nhớ được hình ảnh thương hiệu hơn !

2 Loại hình content dành cho giai đoạn Interest (quan tâm)

Ở giai đoạn này, mục tiêu của bạn chính là thu thập thông tin của người dùng ghé thăm blog.

Vậy đâu là loại hình content có thể giúp bạn đạt mục tiêu ?

Tài liệu chia sẻ

Tài liệu chia sẻ hay còn được biết đến dưới tên gọi lead magnet, là những nội dung không được đăng tải trực tiếp. Để nhận được tài liệu này, người dùng cần để lại thông tin của họ (email, họ tên, số điện thoại,…).

Tuy nhiên, chỉ có những content “xứng đáng” và giải quyết vấn đề cho người dùng mới có thể thôi thúc họ để lại thông tin cá nhân của mình. Nên hãy cho họ một lý do để phải tải tài liệu của bạn nhé !

Content upgrade

Cũng tương tự như tài liệu chia sẻ, nhưng content upgrade là các dạng nội dung có khả năng “nâng cấp” người dùng lên một level mới.

Hãy cung cấp cho người dùng loại nội dung liên quan trực tiếp đến bài viết/video mà họ đang xem để họ có thể áp dụng và có được thành quả trong công việc hoặc cuộc sống.

Hãy tự hỏi bản thân “nội dung kế tiếp” mà người dùng muốn đọc là gì?

Lời khuyên:

  • Đừng chia sẻ hết nội dung mà bạn có !
  • Nếu bạn có 15 cách viết bài bán hàng trên Facebook hay chẳng hạn, hãy chia sẻ 12 cách và đề nghị người dùng để lại thông tin và nhận 3 cách còn lại qua email.
  • Bạn có thể tạo ra các template/checklist (ví dụ như mẫu kế hoạch marketing) để chèn vào bài viết liên quan như một dạng content upgrade.

Trắc nghiệm / Khảo sát

Trắc nghiệm hay khảo sát thu hút người dùng bằng cách để họ tự kiểm tra sự hiểu biết của chính mình về một chủ đề nào đó. Và chủ đề đó có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn.

Một số trang web sau khi người dùng làm trắc nghiệm xong sẽ yêu cầu họ để lại thông tin và gửi kết quả qua email.

Vậy là bạn có thể có được email của người dùng rồi !

3 loại hình content cho giai đoạn Consideration (cân nhắc)

Ở giai đoạn giữa phễu này, người để lại thông tin (leads) đang tìm kiếm cách thức để giải quyết vấn đề của họ.

Và nhiệm vụ của content chính là cung cấp giá trị, giúp họ nhận ra sản phẩm/dịch vụ của bạn chính là phương pháp cho vấn đề của họ. Để khi qua giai đoạn kế tiếp, khả năng họ trở thành khách hàng sẽ càng cao.

Tại thời điểm “cân nhắc”, thông qua việc việc nuôi dưỡng leads với các nội dung dẫn dắt, hỗ trợ người dùng giải quyết phần nào thắc mắc của họ, bạn sẽ chứng minh được khả năng chuyên môn và thực lực của mình.

Dưới đây tôi có liệt kê 3 loại nội dung:

Bản tin email

Email newsletter hay bản tin email là một cách để nuôi dưỡng mối quan hệ của bạn với leads của mình. Hãy gửi những kiến thức và câu chuyện liên quan đến nội dung mà họ quan tâm.

Nhớ phân loại danh sách email của bạn kĩ càng và gửi đúng tệp nhé!

Và đặc biệt: đừng bán bất kỳ sản phẩm nào của bạn ở giai đoạn này. Vì người dùng cần có thời gian để tin tưởng bạn, nên việc đốt cháy giai đoạn sang “bán hàng” sẽ khiến họ khó chịu và không tin tưởng bạn mà thôi.

Thay vì vậy hãy cho họ những nội dung có thể áp dụng vào công việc/cuộc sống.

Case study

Một lần nữa, case study lại xuất hiện để cho người dùng của bạn thấy được những kết quả mà họ có thể đạt được khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Đây cũng là loại content có thể thuyết phục cả những khách hàng khó tính nhất !

Một mẫu dàn bài case study mà bạn có thể áp dụng đó chính là:

  • Ảnh chụp/Bằng chứng kết quả mà khách hàng trước đó đạt được
  • Cách thức bạn áp dụng để giúp họ
  • Bạn đã giúp khách hàng trước đó thay đổi / cải tiến ở điểm nào?
  • Video quay lại cảm nhận của khách hàng đó
  • Tài liệu chia sẻ lời khuyên liên quan
  • Xem thêm về các case study khác

Để có thể hoàn thiện case study của doanh nghiệp, hãy tạo thói quen thu thập lại bất cứ lời khen nào mà bạn nhận được, tổng hợp lại để sau này có dịp thì sẽ dùng đến nhé! Và nếu được, bạn nên tạo ra một trang riêng chuyên về “testinomial” cho chuyên nghiệp.

Khóa học mini / Webinar chia sẻ

Khóa học hay webinar hướng dẫn người dùng cách để đạt được một mục tiêu cụ thể. Bạn chỉ nên áp dụng hình thức này khi bạn đã có chút “tiếng tăm” trong lĩnh vực mà thôi.

Bằng cách đăng ký tham dự vào một buổi chia sẻ webinar miễn phí, bạn sẽ phần nào xác định được mức độ mong muốn tìm ra giải pháp của họ. Và từ đó target các đối tượng này tốt hơn và thậm chí là chốt sale ngay tại buổi hôm đó.

Hình thức tổ chức khóa học mini hay webinar chia sẻ sẽ tốn của bạn khá nhiều công sức, vì vậy hãy cân nhắc về nguồn lực trước khi thực hiện nhé !

2 Loại hình content cho giai đoạn Purchase (mua hàng) và Growth (tăng trưởng)

Sau cả quá trình thu hút và nuôi dưỡng mối quan hệ trước đó, đây chính là lúc gặt hái thành quả.

Thông thường sẽ có 2 loại nội dung mà bạn cần thực hiện:

Xem thêm:  Địa điểm doanh nghiệp không hiển thị trên Google map: Nguyên nhân và cách khắc phục

Trang bán hàng

Trang bán hàng cần đảm bảo các yếu tố:

  • Cung cấp lợi ích của sản phẩm giúp giải quyết “nỗi đau” của khách hàng
  • Mô tả tính năng sản phẩm
  • Điểm khác biệt của doanh nghiệp bạn so với thị trường giúp cho khách hàng thấy rằng sản phẩm/dịch vụ của bạn là giải pháp hoàn hảo nhất cho vấn đề của họ
  • Cung cấp thêm các cảm nhận của khách hàng trước đó
  • Form đăng ký hoặc Thông tin liên lạc và cách thức mua hàng

Đối với các sản phẩm có nhiều mức giá khác nhau, hãy làm rõ giá trị của 2 dòng sản phẩm đó bằng cách so sánh chúng trực tiếp với nhau cũng là một cách bạn có thể áp dụng.

Và nếu như các mức giá quá phức tạp, đừng ngại ngần tách chúng ra thành một trang “báo giá” riêng để tránh làm người dùng bối rối nhé !

Vậy ở giai đoạn tăng trưởng thì sao ?

Rất ít người nghĩ về điều này ! Ngay cả khi người dùng trở thành khách hàng của doanh nghiệp, bạn cũng cần phải có những content để liên tục nuôi dưỡng họ, để không chỉ gia tăng giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng mà còn biến họ thành những người yêu thích thương hiệu, sẵn sàng nói tốt về doanh nghiệp với bạn bè.

Content lúc này đóng vai trò như một “chính sách hậu mãi” giúp giữ chân khách hàng ở lại với doanh nghiệp.

Bạn có thể áp dụng các loại nội dung như:

  • Mẹo để dùng sản phẩm/dịch vụ của bạn một cách hiệu quả nhất
  • Thư viện câu hỏi giải đáp thắc mắc của khách hàng trong quá trình sử dụng (nếu như sản phẩm của bạn cần phải tìm hiểu nhiều trước và trong khi dùng)

Ngoài ra, bạn có thể up-sell bằng cách bán kèm combo để khách hàng tăng thêm độ hiệu quả nhận được !

Tổng hợp các loại nội dung

Với những hướng dẫn trên, tôi tin rằng bạn đã có thể hoàn thành nội dung của một chiến lược content rõ ràng và cơ bản.

Tôi biết, đọc đến đây bạn đã thấm mệt! Tôi có tổng hợp lại bảng thông tin để bạn có thể dễ dàng theo dõi.

Awareness Interest Consideration Purchase Growth
Câu chuyện cá nhân

Câu chuyện thương hiệu

Video hướng dẫn

Viral video

Bài viết hướng dẫn

Tài liệu chia sẻ

Trắc nghiệm

Công cụ/Phần mềm

Tài liệu chia sẻ

Khảo sát

Email newsletter

Case Studies

Khóa học

Webinar

Bài viết so sánh

Trang bán hàng

Trang báo giá

Upsell page

Thư viện câu hỏi

Mẹo sử dụng sản phẩm

Bước tiếp theo, bạn cần phân bổ series content và thời gian publish phù hợp để các bài đăng có thể đạt được traffic tối đa.

2.1.3 Hướng dẫn tạo lập series content cho doanh nghiệp

Đầu tiên, để xây dựng series content cho doanh nghiệp. Bạn cần xác định:

Bạn muốn doanh nghiệp/sản phẩm của mình được biết đến vì điều gì ?

Có 4 bước mà các content manager thường áp dụng:

  • Bước 1: Nghiên cứu từ khóa
  • Bước 2: Tìm hiểu các đối thủ
  • Bước 3: Nghiên cứu các chủ đề mà đối thủ đã và đang triển khai
  • Bước 4: Sử dụng các đề tài đó và xây dựng nội dung tốt hơn, có dấu ấn riêng của thương hiệu

Thông qua sàng lọc bài viết từ đối thủ và sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa hỗ trợ. Bạn có thể tìm ra content nào trong ngành được cộng đồng chia sẻ nhiều nhất, có nhiều traffic nhất, chủ đề của nó là gì,…

Kết hợp cùng bảng phân loại content theo từng giai đoạn ở trên, các content writer sẽ xây được một hệ thống bài đăng xoay quanh đề tài hot, với nội dung hay hơn, mới hơn, và đặc biệt là đúng với đối tượng ở các giai đoạn khác nhau!

Để đơn giản hóa chiến lược content, giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình quản lý, tôi sẽ giới thiệu cho bạn Bảng phân loại tần suất của content.

Trong bảng này, tùy thuộc vào độ khó của nội dung và công sức của người viết mà tần suất tạo dựng content cũng khác nhau.

Dạng bài Dễ Khó Rất khó
Tần suất xuất bản Mỗi tuần 1 lần Mỗi tháng 1 lần Mỗi quý một lần
Mục tiêu Duy trì tương tác của người dùng

Giải đáp các vấn đề người dùng tìm kiếm

Tăng cường sự quan tâm

Thu hút khách hàng tiềm năng

Sản xuất ý tưởng mới để thu được traffic lớn / khách hàng tiềm năng / doanh số lớn.
Đối tượng Người mới bắt đầu Người có kiến thức cơ bản Người có nhiều kiến thức

Đến đây, bạn đã có thể thiết kế chiến lược content cụ thể của riêng mình. Nhưng ai sẽ là người thực thi nếu như… content không phải chuyên môn của bạn?

Đừng lo lắng !

Tùy thuộc vào quy mô số lượng kênh hoạt động, và số lượng content cần triển khai mà bạn cần có team phụ trợ cho mình.

Dưới đây tôi có nêu một số lời khuyên nhỏ tuyển dụng content để bạn có thể tham khảo:

1, Yêu blog nào – Vào tìm người viết blog đó!

Nếu bạn đã yêu thích phong cách viết của một blog nào đó. Hãy cố gắng liên lạc với người viết blog và offer họ làm freelancer cho bạn!

2, Nhờ giới thiệu của người viết mà bạn yêu thích

Nếu như ở bước trên, người viết blog không đồng ý nhận làm freelancer cho bạn. Hãy nhờ họ giới thiệu một vài người có khả năng đáp ứng yêu cầu của bạn.

Vì những người có tính cách giống nhau sẽ chơi chung với nhau, nên khả năng cao là bạn sẽ tìm được một người tương tự hay thậm chí giỏi hơn cả người ở trên đấy!

3, Săn đón nhân tài từ các cuộc thi trong ngành

Đối với các công ty hay tập đoàn lớn với nhiều ngân sách, phòng nhân sự sẽ tổ chức hẳn một cuộc thi tìm kiếm tài năng (về content hay marketing chẳng hạn) và trao giải cho người thắng cuộc!

Thông qua cuộc thi này bạn có thể biết được năng lực thực sự của từng ứng viên, xem xét họ và sau đó offer làm việc. Khá thú vị phải không?

Mời quán quân? Hay mời á quân? Sao không thử mời tuyển dụng cả 3 người đoạt giải nhỉ?

Trong trường hợp công ty bạn không đủ khả năng tổ chức cuộc thi, bạn tìm hiểu thông tin và “tuyển dụng ké” thì càng tốt chứ sao!

4, Thuê dịch vụ ngoài

Nếu cả 3 phương án trên đều không khả thi và bạn thì không có thời gian tuyển dụng, hãy thử sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Các công ty dịch vụ về content luôn đáp ứng các yêu cầu và đảm bảo quyền lợi khách hàng nên bạn có thể yên tâm về chất lượng.

2.2, Giai đoạn 2: Lên kế hoạch tạo lập nội dung

Ở phần trước, việc tạo lập chiến lược content được xây dựng cho đa kênh với những nội dung dài – ngắn và tần suất xuất bản khác nhau.

Trong phần bên dưới này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn quy trình tạo lập content.

Bước 1: Nghiên cứu từ khóa

Có 3 cách khá đơn giản giúp nghiên cứu từ khóa và nội dung:

Sử dụng từ khóa tự động đề xuất

Sau khi bạn nhập ký tự vào ô tìm kiếm, Google sẽ tự động điền thêm các đề xuất về những gì nó cho rằng bạn có thể đang tìm kiếm.

Tìm kiếm có liên quan

Sau khi gõ một từ khóa và nhấn enter, các trang kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra.

Bạn chỉ cần cuộn xuống cuối trang kết quả tìm kiếm, các tìm kiếm có liên quan sẽ xuất hiện ở cuối trang.

Mọi người cũng tìm kiếm

Đối với một số tìm kiếm, Google cũng sẽ cung cấp cho bạn phần “Mọi người cũng tìm kiếm” hoặc “Mọi người cũng hỏi”.

Sau khi nội dung bài viết đã hoàn thành, bước kế tiếp bạn cần tối ưu bài viết.

Bước 2: Tối ưu on-page

Có rất nhiều yếu tố để tối ưu bài viết on-page. Tuy nhiên ở đây tôi sẽ giới thiệu bạn checklist tối ưu on-page tổng hợp để bạn dễ dàng làm theo:

Checklist tối ưu onpage
Checklist tối ưu onpage

Không chỉ tối ưu keyword và nội dung của bài viết mà bạn cần phải chú ý tới việc tối ưu hình ảnh đăng tải trên website của mình hiệu quả bằng cách:

  • Đặt tên cho các hình ảnh phải không dấu và có dấu – giữa các từ trước khi upload ảnh lên web
  • Tối ưu geo tags cho các hình ảnh
  • Tối ưu thẻ alt cho ảnh

Tất cả 3 công đoạn trên giúp Googlebot nhận biết được hình ảnh bằng việc đọc được ý nghĩa của chữ cái hay kí tự mà thôi.

Bạn cũng có thể xem thêm về SEO hình ảnh lên top Google năm 2019

Ngoài ra, việc lựa chọn từ khóa và đưa những thông tin có giá trị, chính xác trong bài viết của mình sẽ tạo điều kiện cho Google hiểu được rằng đó là đoạn thông tin mà người dùng đang tìm.

Sau quá trình tối ưu hóa on-page SEO giúp bài viết lọt top tìm kiếm, thu hút cold traffic và đưa họ thành khách truy cập vào website với series content chất lượng, đây là lúc để content upgrade “xuất chiêu”.

Bước 3: Tạo dựng content upgrade

“Cơ hội” upgrade nên dành cho những content có tính ứng dụng cao và được đặt vào các bài viết có nhiều lượng truy cập từ người dùng.

Ví dụ khi tôi viết bài viết marketing là gì? 10 Công việc của một marketing làm mỗi ngày, tôi sẽ chèn một file PDF về Mẫu kế hoạch marketing thì khả năng cao là người dùng sẽ khá là thích nó!

Như tôi đã đề cập từ trước, lúc này nếu bạn yêu cầu người dùng để lại email để tải file PDF Mẫu kế hoạch này thì họ cũng sẽ vui vẻ để lại thông tin của mình.

content cho doanh nghiệp - Tạo dựng content upgrade

Việc tạo dựng content upgrade không chỉ đem về cho doanh nghiệp lượng lead tiềm năng để nuôi dưỡng, mà còn có thể là subscriber hay thậm chí người mua trong tương lai. Và đối với SEO, content upgrade còn giúp giảm tỉ lệ thoát (bounce rate) của chính trang đó.

Content upgrade thường được chèn vào dưới tiêu đề hoặc cuối bài viết để vừa tránh gây phiền nhiễu vừa thu hút người dùng tìm hiểu thêm.

2.3, Giai đoạn 3: Content promotion – Chiến lược quảng bá content đến người dùng

Trong thời điểm hiện tại, quảng bá thông qua mạng xã hội là cách nhanh nhất và đơn giản nhất để tiếp cận người dùng.

Một khi bạn đã có các content ưng ý, hãy chia sẻ chúng trên tất cả nền tảng mạng xã hội bạn có.

Tuy nhiên, không phải content nào trên blog cũng hoạt động tốt trên các nền tảng khác! Bạn cần phải điều chỉnh để nội dung bài blog của mình phù hợp hơn khi chia sẻ trên các trang mạng xã hội khác nhau.

Nói một cách đơn giản, bài viết dài hơn 2000 chữ trên blog sẽ rất dễ dàng theo dõi, nhưng cầm nội dung này đăng post facebook có thể là một thảm họa! Tùy vào đặc thù của mạng xã hội mà bạn cần tạo lập content phù hợp.

Ngay trong phần này, tôi sẽ cho bạn cách thức mà tôi đang áp dụng chính là micro content.

Micro content là gì ?

Micro content (nội dung nhỏ) là những bài post/video ngắn được trích ra từ nội dung bài blog/video dài của bạn.

Bạn có thể “xé lẻ” ra rất nhiều các micro content từ một bài blog/video chính và chia sẻ chúng lên mạng xã hội. Các micro content luôn thu hút tương tác vì chúng được tạo ra nhằm đáp ứng đặc thù riêng của từng kênh.

Dưới đây là bảng tổng hợp một số kích thước hình ảnh và video cho từng nền tảng social media mà tôi áp dụng:

kích thước ảnh và video trên social

Ví dụ về quy trình tạo dựng content cho nội dung “Hướng dẫn viết content chuẩn SEO”:

quy chuẩn content chuẩn seo
Các bước thực hiện micro content

2.4, Giai đoạn 4: Đo lường hiệu quả hoạt động của content

Ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm tra tiến độ hoạt động của Chiến lược Content để kịp thời nắm bắt tình hình của chiến lược và thay đổi nếu cần thiết.

Trước khi bắt đầu đo lường, bạn cần xác định mục tiêu của bạn là gì? Ví dụ như bao nhiêu traffic cho bài đăng, số lượng khách hàng trong tháng,…

Sau đó dựa theo các tỷ lệ chuyển đổi giữa các hạng mục mà ước tính con số cơ bản cần đạt.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi dự án sẽ có những tỷ lệ chuyển đổi khác nhau. Bạn sẽ cần một chút tính toán từ dữ liệu các tháng trước để biết chính xác tỷ lệ nên sử dụng.

Để đảm bảo hiệu quả đo lường cao nhất, bạn không nên chọn tỷ lệ của những dự án quá thành công trước đó mà nên chọn con số trung bình.

Ví dụ như trung bình mỗi tháng cứ 100 traffic sẽ đem lại 5 lead, trong đó tháng có dự án tốt nhất thì 100 traffic đem lại 10 khách hàng, hãy chọn tỷ lệ chuyển đổi traffic và customer là 5%.

Có nghĩa là nếu dự án lần này bạn đặt mục tiêu 5000 lead, bạn sẽ cần tối thiểu 100.000 thay vì 50.000 traffic.

Nếu dự án đạt được tỉ lệ chuyển đổi cao hơn 5% thì càng tốt. Còn nếu không, mọi chuyện vẫn nằm trong dự tính của bạn.

Content cho doanh nghiệp từ chiến lược đến thực thi

Và để đảm bảo đạt con số mục tiêu, bạn nên có một bảng theo dõi chi tiết tiến độ chiến lược mà tôi sẽ giới thiệu ngay sau đây.

Bảng này gồm 4 phần:

  • Mục tiêu chính
  • Mục tiêu chi tiết
  • Ngân sách
  • Số lượng khách hàng từ chiến lược
theo dõi hiệu quả hoạt động chiến lược nội dung

2.4.1, Đặt mục tiêu

Đây là các mục tiêu lớn mà bạn muốn đạt được trong tháng.

Đặt mục tiêu quá cao hay quá thấp đều không đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Vì vậy, bạn cần nghiên cứu và tham khảo nhiều dữ liệu để ước tính được các con số hợp lý.

Mục tiêu này bao gồm:

  • Số lượng blog/post publish (articles)
  • Lượt xem trang duy nhất (actual unique pageviews)

2.4.2, Đo lường hiệu quả thực tế

Theo dõi tiến độ các traffic và hiệu quả bạn đang có được nhằm đạt mục tiêu chính.

Các chỉ số mà tôi thường tracking bao gồm:

  • Lượng traffic tới từ email
  • Lượng traffic tới từ social media (fanpage Facebook, Facebook messenger, Youtube, …)
  • Lượng traffic từ các group/forum
  • Lượng paid traffic thông qua chạy quảng cáo

So sánh thường xuyên với chỉ tiêu mong đợi để có thể biết được chiến dịch của bạn đang hiệu quả tới đâu, tốc độ như thế nào và đưa ra điều chỉnh thích hợp.

2.4.3, Đo lường hiệu quả sử dụng ngân sách

Hiệu quả sử dụng ngân sách chính là chi phí nhân sự (manager, writer, editor,…), chi phí quảng bá, chi phí công nghệ,…

Nếu bạn sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, phần dư ra có thể dùng vào ngân sách tháng sau.

Như vậy, bạn sẽ có nhiều tiền hơn, đầu tư cho những dự án lớn hơn.

Giả sử ngân sách mỗi tháng của bạn là 20 triệu đồng, tháng trước bạn chỉ tiêu tốn 19 triệu, thì ngân sách tháng sau sẽ là 21 triệu.

Sử dụng ngân sách hiệu quả, không vượt chi một cách bừa bãi là một trong những yếu tố quan trọng của một chiến lược thành công.

2.4.4, Đo lường chi phí khách hàng

CAC (customer acquisition cost) là chi phí doanh nghiệp bỏ ra để có được 1 khách hàng.

Theo như bảng trên, với tổng chi trong tháng là 19 triệu, số khách hàng trong tháng là 5, tương đương rằng doanh nghiệp đã tiêu tốn 3 triệu 8 để đem về 1 khách hàng.

Áp dụng bảng theo dõi này, bạn sẽ biết được chiến lược đã đạt được gì, đang ở đâu và cần làm gì tiếp theo để đạt mục tiêu chính.

3, Kết luận

Trên đây là 4 giai đoạn xây dựng và thực thi chiến lược content cho doanh nghiệp bao gồm:

  • Xây dựng chiến lược content
  • Tạo dựng content – thực thi chiến lược
  • Quảng bá content đến với đối tượng mục tiêu
  • Đo lường hiệu quả hoạt động

Tôi biết rằng bài viết này khá dài, bạn có thể đánh dấu lưu lại nó và dành thời gian để nghiền ngẫm.

Hi vọng rằng bạn sẽ có cho mình kiến thức cần thiết để có được những chiến lược content cho doanh nghiệp hiệu quả trong thời gian sớm nhất !

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay chia sẻ đóng góp nào giúp bài viết tốt hơn, hãy để lại bình luận bên dưới nhé !


Xem thêm các bài viết khác

5/5 - (5 bình chọn)
Xem thêm:  Referring domains là gì ? Ý nghĩa của Referring Domain trong SEO

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Schema.org là gì? Cách hoạt động và cấu trúc của 1 schema chuẩn dành cho mọi website

Bạn đã biết schema.org là gì chưa ? Cách khai báo schema chuẩn để tận [...]

7 Cách kiểm tra website viết bằng ngôn ngữ gì nhanh chóng

Kiểm tra website viết bằng ngôn ngữ gì nhanh chóng, hiệu quả dành cho những [...]

Spin bài viết là gì ? Bật mí cách spin content hiệu quả và 3 tools spin nên dùng

Với nhiều người khi bước chân vào nghề content hay SEO thường hay gặp khái [...]